Người nghiên cứu là một thợ mỏ

Người nghiên cứu giống như một thợ đào mỏ. Có điều cái mỏ ấy chứa rất nhiều chất gây nổ. Người thợ phải lần mò và làm đủ mọi cách để làm sao đào sâu nhất có thể. Lúc đầu lỗ hang còn rất rộng, dần dần con đường mà người ấy đào hẹp lại, hẹp đến mức chỉ còn vừa cho một mình người ấy.
Càng đào sâu, người thợ càng gần đến những điều mà người ấy cũng như mọi người khác hằn ao ước. Cách thức mà người thợ mỏ dùng trong quá trình đào rất đa dạng và phức tạp. Có khi người ấy cũng không biết mình đã làm gì để có thể tránh khỏi những ổ mìn và tiếp tục đào sâu.
Rồi những người khác cũng muốn theo con đường ấy của người thợ mỏ để đào tiếp vào cái mà người thợ kia đang hướng đến nhưng họ sợ. Cái họ nhìn thấy là một hố đen thăm thẳm và gần như ngõ cụt. Họ không biết người thợ mỏ đã làm sao để có thể tiến sâu đến vậy. Có thể họ là những người có sức khỏe dẻo dai hơn, lành nghề hơn nếu ở một giai đoạn nào đó nhưng họ mãi mãi sẽ không biết được vì họ ngại bước khởi đầu gian nan.
Đào sâu một con đường đã rất khó, làm sao để người khác nhìn vào nó đẹp đẽ và dễ dàng để họ cũng có thể theo đó mà vào càng khó hơn. Hầu như “các bác thợ mỏ” ngày nay đều quên đi việc làm cho con đường thêm gọn gạng, dễ vào.
Học Toán là một ví dụ điển hình như vậy. Ai nhìn vào cũng nghĩ rằng nó thô sơ và khó đoán. Họ không dám thử, không dám nghĩ rằng nó đẹp đẽ vì không ai đào con đường đủ đẹp, đủ rộng để ánh sáng có thể rọi vào. Khi có ánh sáng thì họ cũng sẽ thấy dễ chịu hơn.
Hãy làm những thứ mà mọi người lãng quên!