Lần đầu thấy trăng - khi cơ hội không đồng đều và cái nhìn về giáo dục

Giọng văn châm biếm, đầy nước mắt và bi ai, sách nói về những người đã vì trường lớp mà mù chữ, phải làm mọi thứ để mưu sinh. Cuộc đời của họ sẽ không như vậy, nếu như chúng ta có một hệ thống giáo dục tốt hơn, nhân văn hơn, và hướng đến từng cá thể hơn.
Tôi chưa thấy được hy vọng hay tia sáng nào trong cuộc đời của những con người trong góc nhỏ này, nơi bi kịch chất chồng và số phận trôi nổi. Những người đức độ, tài năng, đáng được tôn kính nhất thì lại có cuộc sống bi đát nhất. Những kẻ kém tài, làm mọi thủ đoạn đê hèn, thì bản thân và gia đình được sống đầy đủ, được xã hội xum xuê. Sách nói về giáo dục, về số phận thảm thương của nghề giáo, nghề đáng lẽ ra phải được trân trọng và đền đáp xứng đáng, lại phải chịu cảnh sống tận cùng nghèo khó, gia đình bất hạnh… Đó là nghịch lý, cũng là bi kịch cho bất kỳ xã hội nào, đã để điều đó diễn ra.
Người chăm lo học sinh từ giỏi đến yếu nhất, thì hay bị trễ bài, không được giáo viên dạy giỏi. Họ còn phải đối mặt với nguy cơ bị đuổi khỏi ngành vì thành tích của nhà trường, của địa phương. Còn người dạy theo đúng chương trình, chỉ dạy học sinh đã giỏi sẵn giỏi hơn nữa, trong khi bỏ mặc học sinh yếu, sống chết mặc chúng, thì được đi thi, được giải thưởng… Đạo đức nghề giáo được đặt ở đâu trong tình cảnh đó? Tương lai của những học sinh bị bỏ lại sau thành tích của giáo viên sẽ ra sao? Chính bệnh thành tích trong giáo dục đã ép buộc nhà giáo phải trở nên vô lương, và học sinh kém phải ra đường.
Những người truyền dạy kiến thức, và lối sống, đạo đức cho học trò, bị buộc phải gian manh để tồn tại trong ngôi trường mà họ dạy học. Tôi tự hỏi một khi trở nên như thế, đã làm những chuyện như thế, thì họ có còn đủ phẩm chất và năng lực để dạy, để cho học trò tôn trọng và noi theo? Còn những ai không tự biến mình thành một phần của hệ thống, sẽ bị loại ra khỏi hệ thống. Người tốt, chính trực bị loại khỏi ngành giáo dục, trong khi người biết gian xảo thì được đề bạt, để rồi họ lại truyền đạt, đào tạo thế hệ tương lai. Nghề giáo bị buộc trở thành nghề để kiếm tiền, để tồn tại, hơn là nghề cao quý, để ươm những mầm xanh. Làm sao cao quý cho được, khi những người trong ngành còn phải tranh đấu với cuộc sống và tranh đấu với nhau? Rồi họ đang từng ngày từng giờ biến đổi xa rời bản chất của nghề giáo.
Khi mà số phận đen đuổi của học sinh không được cải thiện nhờ giáo dục mà còn bị nền giáo dục đó tước đi cơ hội bước vào xã hội. Rồi những đứa trẻ không biết chữ, dần rơi vào đáy không thấy đường ra. Tôi tự hỏi là vì chúng không có khả năng, hay vì những người dạy chữ cho chúng không có khả năng, hoặc vì những người đã đào tạo ra thầy giáo cho chúng không có khả năng? Vì sao chúng phải trả giá cuộc đời mình, vì sai lầm của những người ở tít trên cao vời vợi? Bao nhiêu học sinh bất hạnh và gia đình họ đã phải hy sinh tương lai, cuộc đời của mình để tô diểm cho những tờ giấy khen của giáo viên, những bằng khen của nhà trường, và bảng thành tích của giáo dục địa phương?
Phổ cập giáo dục là chương trình nhân đạo, nhưng làm bằng mọi cách là bất nhân. Tôi nhớ báo chí từng viết có học sinh lên lớp Sáu không biết đánh vần tên mình, rồi em bị trả về cấp Một… Học sinh ấy lên lớp Năm bằng cách nào, chỉ bị trả về khi đã qua trường khác? Và có bao nhiêu đứa trẻ như em không được báo chí nhắc đến, và bao nhiêu người như em cầm tấm bằng cấp Một rồi bỏ học, mù chữ?
Nhìn rộng ra, những vấn đề rất lớn mà ta bắt gặp, không chỉ xuất hiện trong giáo dục mà trong mọi mặt của đời sống, như nghề y, nghề quản lý… Chúng không thể được giải quyết chỉ bằng loại bỏ những triệu chứng đang từng ngày xảy ra nhiều hơn, nghiêm trọng hơn, mà cần phải truy căn nguyên cội rễ. Con người không có lỗi, cái có lỗi là cái hoàn cảnh đã làm cho họ phải lỗi lầm. Nếu muốn họ không bị tha hoá, biến chất, ta cần phải thay đổi hoàn cảnh xã hội mà trong đó họ đã được đào tạo, lớn lên. Chỉ có như vậy, những con người với số phận bi ai, mà tôi đang thấy đầy rẫy trong xã hội bây giờ, mới không lặp lại ở thế hệ tương lai. Để con cháu chúng ta có thể vui vẻ mà sống, không phải chịu đời khổ đau vì những lỗi lầm không phải của chúng gây ra.
Xã hội vốn không công bằng, nhưng mọi phận đời đều đáng được nhắc đến như nhau.
Cảm ơn cô Võ Diệu Thanh. Những dòng trong truyện này của cô một ngày nào đó nên được đưa vào sách giáo khoa, không chỉ để dạy cho học sinh, mà còn để dạy những người sẽ dạy học sinh.
Trích từ sách:
Từ hồi trước chưa từng nghĩ tới nhục. À vô tình nó có xài tới một lần. Thầy Mãi biểu tôi đọc bài. Tôi không thuộc. Duy nhất bữa đó thằng Dị, con Hậu thuộc bài. Ông thầy đánh vô tay tôi một roi. Thấy muốn độn thổ. Dù tôi trước giờ đã bị đánh không biết bao nhiêu roi. Sao tôi không thấy xấu hổ với ba mươi lăm đứa khác cùng lớp, mấy trăm đứa khác cùng trường mà chỉ câu mâu với mỗi thằng Dị, con Hậu. Thằng Dị con Hậu là những đứa ngang với tôi. Nó hơn tôi dù chỉ một cái cười cũng là điều nhục. Trong khi nhóm ba đứa chúng tôi thua mấy chục đứa kia là điều rất bình thường.
Thầy Độ nói rất rất nhiều người nghĩ như vậy, làm như vậy. Ví dụ như nước mình nghèo hơn nước khác họ thấy bình thường. Người ta làm được những công trình siêu mơ ước họ cũng không để bụng xấu hổ. Nhưng hễ những người trong xóm cất một cái nhà đẹp, sắm một chiếc xe mới họ thấy nhục, phải cày xới để có tiền sắm cho kỳ hơn. Cho dẫu việc làm đó có khiến cho đất nước này nghèo hơn hiện tại hay là nghèo nhất thế giới cũng không nhằm nhe gì. Nhục của quốc gia là nhục của mấy chục triệu người chớ đâu phải của riêng ta. Và gần hết mấy chục triệu người đều nghĩ vậy.
Ông còn kể chuyện má thầy Minh. Bán cá lở kẽ tay nuôi thầy đi học. Về không còn chỗ dạy phải đi tuốt trong núi. Chừng xin được về xứ thì bà già chỉ còn lại bộ xương. Vay tạm trị bệnh cho bà mẹ. Nghèo nên cưới vợ không đàng hoàng. Con vợ cũng bỏ.
Thầy giáo Minh hiền lành lắm, rất thích nghề dạy học. Người mẹ bán cá lở tay chân để nuôi thầy đi học.
Thằng Đực, đáng lẽ nằm trong danh sách của cô Tài Ba. Nhưng rồi cô kéo nó vào góc lớp nói nhỏ:
  • Em nói với thầy hiệu trưởng em thích học lớp thầy Minh.
  • Em không thích lớp thầy Minh. Ổng bắt học bài thấy ông bà ông vải. Mà em không thích học.
  • Cô cũng bắt học bài vậy.
  • Nhưng em không thích học thầy, em thích học cô. Giống như em không thích ba, thích má hà.
  • Em học thầy cô cho em mười ngàn.
  • Hông.
  • Hai chục.
  • Hông.
  • Em hông nghe lời cô, khi vô lớp cô đánh em tơi bời luôn
  • Hông sợ. Cô đánh sao dữ bằng ba em. Cô yếu xìu.
  • Cô méc ba em. Không học bài, méc, không viết bài méc, xé tập bạn, méc, đón đường bạn chia phe đánh lộn méc.
  • Thôi, thôi. Tôi khoái học thầy Minh.
Rồi sau đó, với sự quậy phá của thằng Đực, và sự can thiệp của cô Tài Ba, thầy Minh bị đuổi khỏi ngành, mẹ thầy chết.
Cô Đẹp rất thông minh. Rốt cuộc học trò cô cũng không được hưởng hương thơm từ trí tuệ của cô bao nhiêu.
Người ta đòi bằng cấp thì cô mua bằng cấp, người ta đòi chất lượng thì cô phù phép chất lượng. Khi mà người ta không đủ sức để đánh giá con người bằng quá trình, bằng hiệu quả mà chỉ bằng cách bung ra những cái khuôn, thì những người như cô còn đất để tung hoành. Cô biết uốn mình cho vừa khuôn. Nếu không vừa cô dùng bơm để thổi, dùng rác rến để chèn. Mặc kệ là xương mình có gãy, là lương tâm mình có bị móp méo, vặn vẹo. Cô tiến hoá tài ba giữa cái thời bằng cấp và khuôn khổ.
Kiểu dạy qua loa của thầy cô trên lớp là hợp với quy định. Họ đuổi theo những kiến thức cao siêu đâu đó. Họ nghiên cứu tâm lý học trò trên sách vở, trên giáo trình một cách nhuần nhuyễn. Khi cần thuyết trình họ nói thao thao bất tuyệt. Khi đứng giảng bài đọc vanh vách những khái niệm đã ăn sâu vào đầu óc họ từ năm này qua tháng kia. Giống như một tín đồ ngoan đạo thuộc làu làu kinh kệ. Nhưng chữ vô di chẳng đọng lại chút gì trong lòng.